Làm thế nào để gây tê nhẹ nhàng hơn

Tiêu chuẩn

Hiện tại, blog của mình đã được chuyển sang địa chỉ mới, nếu quan tâm các bạn có thể vào: http://bacsingochai.com để theo dõi các bài viết mới nhất. Thân ái:)

Như bài viết trước đã trình bày, bệnh nhân sẽ chỉ quan tâm chủ yếu đến 3 điều: có đau không, kết quả nhìn có đẹp và ăn nhai có khó chịu gì không. Người ta sẽ không biết là bạn đã tạo được một tiếp điểm hoàn hảo hay mang lại cho họ một khớp cắn ổn định nhất có thể. Nhưng nếu bạn làm bệnh nhân nhảy dựng lên khi gây tê thì họ sẽ “nhớ” tới già luôn đó 😁😁😁Scary injectionVậy thì chúng ta có thể làm gì để cho công đoạn khó chịu này trở nên nhẹ nhàng hơn với bệnh nhân. Dưới đây là một số lưu ý để có thể gây tê một cách êm ái hơn 😎😎😎

  1. Gây tê bề mặt đúng cách trước khi dùng kim.

Điều đầu tiên và cũng rất quan trọng đó là hãy sử dụng thuốc tê bề mặt trước. Có nhiều loại thuốc tê bề mặt khác nhau, phần lớn chúng đều có tác dụng tốt. Tuy nhiên để chúng có thể phát huy hết hiệu quả thì không phải chỉ quẹt một ít thuốc lên miệng bệnh nhân là xong.

Topical anesthesiaMột điều then chốt để thuốc tê bôi có tác dụng đó là phải lau khô niêm mạc trước. Nước bọt và protein trong nước bọt có thể là hàng rào ngăn cản thuốc. Dùng gạc lau khô kỹ rồi bôi thuốc. Đợi khoảng 30-60 giây hoặc tới khi mô nướu hơi thay đổi. Điều này cho thấy thuốc tê đã xuyên qua niêm mạc và tác động lên các sợi thần kinh dưới biểu mô. Lúc này ta có thể đưa kim qua niêm mạc mà không gây nhiều cảm giác cho bệnh nhân. Nếu ta kết hợp rung giật nhẹ niêm mạc khi đâm kim, nó cũng sẽ giúp đánh lạc hướng bệnh nhân, kích thích các dây thần kinh và làm bệnh nhân không để ý mũi kim. Có vài loại máy có thể hỗ trợ rung nhẹ mô mềm khi gây tê, tuy nhiên thường không cần thiết, ta có thể tự làm điều đó một cách dễ dàng. Sau khi gây tê xong, chú ý lau sạch thuốc vì nó có thể gây bong niêm mạc nếu để quá lâu.

  1. Tránh không để bệnh nhân nhìn thấy kim tiêmscary injection (2)Thứ hai, ta cần chú ý không nên để xy-lanh gây tê lọt vào tầm mắt của bệnh nhân. Việc này cần sự phối hợp giữa phụ tá khi đưa xy-lanh trong lúc bác sĩ đang banh môi má và điều chỉnh vị trí đầu của bệnh nhân. Không nhìn thấy kim tiêm, họ sẽ không cảm thấy nó, và họ sẽ kể cho bạn bè và người thân biết điều đó. Chỉ cần luyện tập một chút là ta có thể chuyển dụng cụ một cách nhanh gọn, trơn tru và gây tê trước khi bệnh nhân kịp nhận ra là mọi thứ đã bắt đầu rồi.
  1. Bơm thuốc càng chậm càng tốt

Điều tiếp theo mà ta cần chú ý, đó là phần lớn cảm giác đau khi gây tê không phải là do mũi kim mà nó đến từ lượng thuốc tê được tiêm vào mô bên dưới. Bên cạnh nguyên nhân do tính acid của thuốc tê, cảm giác bỏng rát khi gây tê chủ yếu là do sự tích tụ chất lỏng dưới bề mặt mô nướu. Nếu chúng ta bơm thuốc quá nhanh, mô mềm sẽ không kịp điều chỉnh và bị xé rời. Điều này gây tổn thương mô mềm và gây đau cho bệnh nhân. Sau điều trị, bệnh nhân cũng sẽ thấy khó chịu ở vùng gây tê nhiêu hơn. Cách đơn giản nhất để tránh điều này là bơm thuốc tê thật chậm. Có nhiều thiết bị hỗ trợ cho việc gây tê chậm. Chúng bắt bác sĩ phải làm từ từ và kiểm soát thuốc tê một cách nhẹ nhàng nhất. Chúng ta cũng có thể kiểm soát được mà không cần đến máy móc, tuy nhiên điều quan trọng là cần phải thật kiên nhẫn.

WAND_STAHệ thống bơm thuốc tê The Wand STA đến từ công ty Aseptico

  1. Khuyến mãi cho vùng khẩu cái.

Cuối cùng, là một số bí kíp giành riêng cho việc gây tê phía khẩu cái. Vùng này có lớp biểu mô sừng hóa rất dày nên thuốc tê bề mặt thường không hiệu quả. Để bệnh nhân không phản ứng khi đâm kim ở đây ta có hai mẹo nhỏ sau.

Sử dụng nước đá ép lên niêm mạc sẽ giúp gây tê bề mặt và cho phép đâm kim ít đau hơn, tuy nhiên cần cẩn thận không nên làm lạnh quá nhiều đến mức làm tổn thương mô mềm. Khi niêm mạc đã tê rồi, đưa kim vào vị trí, từ từ bơm 1-2 giọt thuốc tê ra ngoài. Ta cần cho thuốc tê đủ thời gian để ngấm vào trong. Điều này sẽ giúp gây tê khu vực đó và cho phép ta bơm thêm thuốc tê mà không gây đau. Mô mềm vùng khẩu cái dính rất chặt vào bề mặt xương bên dưới, ta cần phải gây tê sơ bộ trước khi muốn bơm thêm thuốc tê. Nếu bạn bỏ qua bước này, mô mềm sẽ không tê và bệnh nhân sẽ rất đau vì áp lực lớn.

ice-in-mouthMột thủ thuật khác tốn nhiều thời gian hơn nhưng lại rất hiệu quả, đặc biệt là với những bệnh nhân nhí. Trước tiên dùng tê bôi, chờ khoảng 1-2 phút để mô mềm mặt ngoài bắt đầu tê, sau đó gây tê một ít vào gai nướu mặt ngoài trước. Để ý dùng đủ áp lực để có thể bắt đầu thấy phía trong gai nướu thay đổi, chứng tỏ mặt trong đã bắt đầu tê. Lúc này vừa bơm thuốc vừa từ từ đưa kim xuyên qua gai nướu vào phía khẩu cái. Kỹ thuật này rất hiệu quả trong trường hợp cần gây tê và cầm máu tại chỗ nhiều hơn.

papilla AnesthesiaSource: Dr. Darin O’Bryan, Dr. Gary DeWood

5 bình luận về “Làm thế nào để gây tê nhẹ nhàng hơn

  1. Liên Hương Diệu Nguyễn

    Xin góp thêm vài ý riêng:
    – Đánh lạc hướng sợ (distract) của bệnh nhân bằng cách rung, giật nhẹ môi, y tá xịt nước vào chổ mũi kim và hút nước liên tục. BN sẽ không bị nếm vị đắng của thuốc tê và cảm thấy mát, lạnh, quên bớt đau.
    – Chỉ dùng kim dài cho gây tê xương hàm dưới. (Phần tiêm vào xương khoảng 1/2 bề rộng nhánh đứng của xương hàm dưới, 17,5 mm). Nhớ dùng loại seringue hút được để tránh việc bơm vào mạch máu, có thể gây shock. Kim ngắn cho các nơi khác dễ điều khiển, ít bị cong, BN đỡ sợ.
    – Có thể chích vài giọt mỗi nơi cho hơi tê, sau đó chích lại.
    – Với BN dễ bị ói khi lấy dấu răng, có thể giúp bằng cách thoa tê trên vùng sau của vòm họng để giảm phản ứng.

    Đã thích bởi 2 người

      • LIEN HUONG D. NGUYEN

        Thêm:
        – Gai nướu là phần ít đau, có thể là nơi bắt đầu tê cho trẻ nhổ răng sửa hay giải phẫu nướu răng
        – Không chích vào vùng abcess nướu nhiễm trùng sẽ không tê mà vi trùng có thể phát tán theo máu.
        – Có thể thêm tê bằng cách chích vào màng nha chu, nhất là khi nhổ răng khôn.

        Đã thích bởi 1 người

  2. Ẩn danh

    Bạn nghĩ sao đến nhiệt độ của thuốc tê.
    Bơm vào cơ thể một dung dịch có nhiệt độ 37 oC, có lẽ sẽ khiến cơ thể dễ chấp nhận hơn
    Giữ ồng thuốc tê trong lòng bàn tay, hoặc ngâm trong nước chuản 37 oC , có lẽ cũng là một giải pháp.

    Thích

  3. Ẩn danh

    Bài viết thật hữu ích.
    Phần source anh có thể ghi thêm tên sách hoặc tên bài báo được không ạ? Để mọi người tiện tra cứu, và cũng hợp lý về mặt bản quyền hơn ạ 🙂

    Thích

Bình luận về bài viết này